Breadcrumb

  1. Home
  2. Thông tin bằng tiếng Việt
  3. Quấy Rối

Quấy Rối

Quấy rối là hình thức phân biệt đối xử về việc làm vi phạm Đề Mục VII của Luật Dân Quyền năm 1964, Đạo Luật Chống Phân Biệt Đối Xử Về Tuổi Tác trong Tuyển Dụng (ADEA) năm 1967, và Đạo Luật Người Mỹ Khuyết Tật (Americans with Disabilities Act, ADA) năm 1990.

Quấy rối là hành vi khó chịu dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính (gồm cả khi mang thai), nguồn gốc quốc gia, tuổi tác (từ 40 tuổi trở lên), tình trạng khuyết tật hoặc thông tin di truyền. Quấy rối là trái pháp luật khi 1) việc chịu đựng hành vi xúc phạm trở thành một điều kiện để tiếp tục được làm việc, hoặc 2) hành vi này đủ nghiêm trọng hoặc đủ lan tỏa để tạo ra môi trường làm việc mà một người biết suy luận sẽ coi là đáng sợ, thù địch, hoặc ngược đãi. Các luật chống phân biệt chủng tộc cũng cấm quấy rối cá nhân để trả thù vì đã nộp cáo buộc về phân biệt đối xử, làm chứng, hoặc tham gia theo một cách nào đó vào điều tra, kiện tụng, hoặc nộp đơn kiện theo các luật này; hoặc phản đối những thực hành trong công việc mà người đó tin là phân biệt đối xử với các cá nhân, là vi phạm những luật này.

Những sự coi thường, làm phiền ở mức nhẹ, và những sự cố xảy ra một lần (trừ khi là đặc biệt nghiêm trọng) sẽ không được coi là phạm luật. Để là hành vi phi pháp, hành vi đó phải tạo ra môi trường làm việc đáng sợ, thù địch, hoặc mang tính xúc phạm đối với người biết suy luận.

Hành vi xúc phạm có thể bao gồm, nhưng không giới hạn, câu nói đùa gây xúc phạm, gièm pha, đặt biệt danh hoặc bôi nhọ, tấn công hoặc đe dọa thân thể, hăm dọa, nhạo báng hoặc chế nhạo, lăng mạ hoặc làm nhục, hình ảnh hoặc đồ vật xúc phạm, và cản trở thực hiện công việc. Quấy rối có thể xảy ra trong nhiều hoàn cảnh, bao gồm, nhưng không giới hạn các trường hợp sau:

  • Người quấy rối có thể là người giám sát của nạn nhân, người giám sát ở một khu vực khác, đại lý của chủ lao động, đồng nghiệp, hoặc ai đó không phải là nhân viên.
  • Nạn nhân không cần phải là người bị quấy rối, mà có thể là bất kỳ ai bị ảnh hưởng bởi hành vi xúc phạm.
  • Quấy rối phi pháp có thể xảy ra mà không gây tổn hại về kinh tế cho, hoặc dẫn đến sa thải, nạn nhân.

Phòng ngừa là công cụ tốt nhất để loại bỏ quấy rối tại nơi làm việc. Chủ lao động nên áp dụng các biện pháp phù hợp để phòng ngừa và sửa chữa hành vi quấy rối phi pháp. Họ phải trao đổi rõ ràng với nhân viên rằng sẽ không dung thứ hành vi quấy rối khó chịu. Họ có thể làm điều này bằng cách xây dựng một quy trình than phiền hoặc khiếu nại hiệu quả, đào tạo chống quấy rối cho người quản lý và nhân viên, và hành động một cách phù hợp và tức thời khi nhân viên khiếu nại. Chủ lao động phải nỗ lực tạo ra một môi trường trong đó người lao động cảm thấy được tự do nêu ra những lo ngại và tự tin rằng những lo ngại đó sẽ được giải quyết.

Nhân viên nên thông báo trực tiếp cho người quấy rối rằng hành vi đó là khó chịu và phải chấm dứt. Nhân viên cũng phải báo cáo sớm hành vi quấy rối lên ban quản trị để phòng ngừa quấy rối leo thang.

Trách Nhiệm Pháp Lý của Chủ Lao Động về Quấy Rối

Chủ lao động tự động chịu trách nhiệm về hành vi quấy rối của người giám sát dẫn đến hành động tiêu cực về việc làm, chẳng hạn chấm dứt hợp đồng, không thăng chức hoặc thuê mướn, và mất tiền lương. Nếu hành vi quấy rối của người giám sát tạo ra môi trường làm việc thù địch, chủ lao động chỉ không phải chịu trách nhiệm nếu có thể chứng minh rằng: 1) đã cố gắng một cách hợp lý để phòng ngừa và nhanh chóng sửa chữa hành vi quấy rối; và 2) nhân viên không tận dụng được một cách phi lý bất kỳ cơ hội phòng ngừa hoặc sửa chữa nào mà chủ lao động cung cấp.

Chủ lao động sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi quấy rối bởi nhân viên không có vai trò giám sát hoặc những người không phải nhân viên mà chủ lao động kiểm soát (ví dụ: nhà thầu hoặc khách hàng độc lập tại các cơ sở của mình), nếu chủ lao động biết, hoặc đáng ra phải biết về hành vi quấy rối và không có hành động sửa chữa nhanh chóng và phù hợp.

Khi điều tra cáo buộc về quấy rối, EEOC sẽ xem xét toàn bộ hồ sơ: bao gồm tính chất của hành vi, và bối cảnh mà sự kiện bị cáo buộc đó xảy ra. Hành vi quấy rối có đủ nghiêm trọng hoặc đủ lan tỏa để trở thành phi pháp hay không sẽ được quyết định theo từng trường hợp.

Nếu quý vị tin rằng hành vi quấy rối quý vị đang trải nghiệm hoặc chứng kiến có bản chất là quấy rối tình dục, quý vị có thể muốn xem thông tin của EEOC về quấy rối tình dục.