Breadcrumb

  1. Home
  2. Thông tin bằng tiếng Việt
  3. Phạm Vi Điều Chỉnh của Luật đối với Nghiệp Đoàn Lao Động và Ủy Ban Học Nghề Liên Kết

Phạm Vi Điều Chỉnh của Luật đối với Nghiệp Đoàn Lao Động và Ủy Ban Học Nghề Liên Kết

Phạm Vi Điều Chỉnh Chung

Các luật cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính (gồm cả xu hướng tính dục, nhân dạng phái tính, và mang thai), nguồn gốc quốc gia, khuyết tật và phân biệt đối xử về thông tin di truyền (gồm cả bệnh sử của gia đình) áp dụng cho tất cả các tổ chức lao động vận hành văn phòng giới thiệu việc làm hoặc có tối thiểu 15 thành viên.

Nghiệp Đoàn Lao Động và Hoạt Động Bất Hợp Pháp

Một nghiệp đoàn lao động bị cấm phân biệt đối xử với tư cách là chủ lao động, với tư cách là đại diện thương lượng cho các thành viên của mình hoặc với tư cách là cơ quan giới thiệu hoặc văn phòng giới thiệu việc làm. Sẽ là bất hợp pháp nếu một nghiệp đoàn lao động từ chối kết nạp các cá nhân làm thành viên vì chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính (gồm cả xu hướng tính dục, nhân dạng phái tính, hoặc việc mang thai), nguồn gốc quốc gia, tuổi tác cao hơn (bắt đầu từ tuổi 40), khuyết tật, hoặc thông tin di truyền (gồm cả bệnh sử của gia đình) của họ. Cũng sẽ là bất hợp pháp nếu một nghiệp đoàn lao động giới hạn, tách riêng hoặc phân loại thành viên của mình dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính (gồm cả xu hướng tính dục, nhân dạng phái tính, hoặc việc mang thai), nguồn gốc quốc gia, tuổi tác cao hơn (bắt đầu từ tuổi 40 ), khuyết tật hoặc thông tin di truyền (gồm cả bệnh sử của gia đình). Sẽ là bất hợp pháp nếu một nghiệp đoàn lao động từ chối giới thiệu việc làm cho thành viên và/hoặc từ chối làm đại diện cho thành viên vì chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính (gồm cả xu hướng tính dục, nhân dạng phái tính, hoặc việc mang thai), nguồn gốc quốc gia, tuổi tác cao hơn (bắt đầu từ tuổi 40 trở lên), tình trạng khuyết tật hoặc thông tin di truyền (gồm cả bệnh sử của gia đình) của cá nhân đó.

Phân Biệt Đối Xử về Tuổi Tác và Phạm Vi Điều Chỉnh Của Luật

Luật cấm phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác áp dụng chung cho các tổ chức lao động vận hành văn phòng giới thiệu việc làm hoặc có tối thiểu 25 thành viên.

Đạo Luật Tiền Lương Công Bằng và Phạm Vi Điều Chỉnh Của Luật

Hầu như tất cả các tổ chức lao động đều phải chịu sự điều chỉnh của Đạo Luật Tiền Lương Công Bằng (Equal Pay Act, EPA), trong đó quy định rằng việc trả mức lương cho nam khác với mức lương cho nữ là bất hợp pháp nếu họ làm việc gần như tương đương nhau tại cùng nơi làm việc.

Ủy Ban Học Nghề Liên Kết và Hoạt Động Bất Hợp Pháp

Luật cũng điều chỉnh bất kỳ ủy ban quản lý lao động liên kết nào kiểm soát chương trình đào tạo học nghề hoặc chư ơng trình đào tạo khác hoặc các chương trình đào tạo lại, gồm cả chương trình đào tạo tại chỗ. Sẽ là bất hợp pháp nếu ủy ban đó phân biệt đối xử với bất kỳ cá nhân nào vì chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính (gồm cả xu hướng tính dục, nhân dạng phái tính, hoặc việc mang thai), nguồn gốc quốc gia, tuổi tác cao hơn (bắt đầu từ tuổi 40), khuyết tật hoặc thông tin di truyền (gồm cả bệnh sử của gia đình), trong việc nhận vào, hoặc tuyển vào, bất kỳ chương trình nào được xây dựng để cung cấp đào tạo học nghề hoặc đào tạo khác.

Quyết Định Phạm Vi Điều Chỉnh của Luật đối với Nghiệp Đoàn Lao Động và Ủy Ban Học Nghề Liên Kết

Nếu không chắc liệu phạm vi điều chỉnh của luật có được áp dụng hay không, quý vị nên liên hệ với một trong số các văn phòng khu vực của chúng tôi càng sớm càng tốt để chúng tôi có thể quyết định giúp quý vị. Một điều cũng quan trọng cần ghi nhớ là nếu một nghiệp đoàn lao động hoặc ủy ban học nghề liên kết không chịu sự điều chỉnh của luật mà chúng tôi thực thi, nghiệp đoàn hoặc ủy ban đó vẫn có thể phải chịu sự điều chỉnh của luật chống phân biệt đối xử của tiểu bang hoặc của địa phương. Trong trường hợp này, chúng tôi có thể giới thiệu quý vị đến cơ quan thực thi luật đó của tiểu bang hoặc của địa phương.